Nhà phê bình văn học trẻ Phùng Gia Thế: PR văn học thời sách ế ẩm
Chất lượng văn chương trẻ có quá nhiều điều đáng bàn. Hàng năm, không ít những cuốn sách của các cây bút trẻ ra đời và được quảng cáo dưới nhiều hình thức. Chúng tôi đã trao đổi với nhà phê bình văn học Phùng Gia Thế – một người rất quan tâm đến đời sống văn học trẻ.
Có lẽ phải lạc quan thế này, việc than phiền về chất lượng phê bình hiện nay ngoài ý chê bai còn xuất phát từ một nhu cầu tích cực của chính đời sống văn học: cần có một đời sống phê bình lành mạnh, đa dạng, có đội ngũ chuyên sâu, làm tốt công việc mà đời sống văn học đương thời đặt ra cho nó.
– Theo quan sát của anh thì vấn đề nổi cộm của phê bình văn học trẻ hiện nay là gì?
Phùng Gia Thế: Trước hết, đó là sự thưa vắng của đội ngũ những người chuyên sâu. Một cách tương đối, nếu tính độ tuổi những người sinh ra từ 1975 trở lại đây thì số lượng này có thể đếm trên đầu ngón tay. Thứ hai là những người trẻ viết phê bình đang có mắc mớ với sự lựa chọn hệ hình lí thuyết. Thiếu một sự xác tín về lí thuyết nên nhà phê bình trẻ chưa có “thương hiệu” riêng. Một số người viết trẻ hiện nay có trình độ, lại không thiếu sự nhạy cảm nhưng chỉ viết phê bình theo lối “tài tử”, không dấn thân cho công việc này (đơn giản là vì các công việc khác khiến họ dễ sống hơn). Nhiều người trẻ viết phê bình tỏ ra có cá tính, không bị chi phối bởi những quan hệ cá nhân với người sáng tác, với những quyền lợi cụ thể và với các đám đông. Tuy nhiên, ở một vài cây bút cũng đã thấy xuất hiện dấu hiệu của lối phê bình, đưa đẩy, trích dẫn người này một tí, người kia một tí theo kiểu “mánh lới”, không dám nói thẳng ra chính kiến của mình. Nói chung, phê bình của những cây bút trẻ còn nghiêng về phản xạ, nhận định lẻ tẻ, chưa thể hiện vai trò “tác động”, kích hoạt của nó đối với đời sống văn học, chưa đối thoại một cách sòng phẳng với người sáng tác.
– Anh nghĩ gì về thực trạng PR và các vấn đề PR của văn học trẻ hiện nay?
Phùng Gia Thế: Tôi thấy PR là một hoạt động bình thường và cần thiết trong xã hội hiện đại. Tự nó chẳng có “tội tình” gì. Vấn đề là PR được khai thác như thế nào trong các hoạt động xã hội và trong văn học mà thôi. Có một thực tế là lâu nay, ta hay thiêng hóa văn học mà quên mất rằng, nó cũng là một thứ hàng hóa trong xã hội hiện đại. Từ góc nhìn này, chúng ta nên chia sẻ với những nỗ lực PR cho sách văn học, nhất là trong thời điểm ế ẩm của nó trên thị trường hiện nay. Mọi thứ mà người ta ăn được, mặc được hôm nay đều tăng giá, chỉ riêng các cửa hàng sách văn học thì luôn đính kèm cụm từ “đại hạ giá” to tướng.
Nhưng văn học không chỉ là thương mại. Vậy nên người ta không thể quảng cáo sách văn học giản đơn như người nông dân quảng cáo bán thực phẩm. PR văn học ở ta hiện nay hơi nặng về tính thương mại, chưa đặt trọng tâm vào việc kích hoạt hoạt động đọc vốn đang trầm lắng. Nhiều tác phẩm có chất lượng lại không được giới thiệu tốt, đó là một thiệt thòi cho bạn đọc và cả tác giả.
– Riêng anh có thấy… sốt ruột vì mình không đi theo và có những “chiêu thức” PR cho một số cây bút?
Phùng Gia Thế: Là người làm công việc giảng dạy văn học, cũng có tham gia viết lách, cá nhân tôi thực sự không xúc động gì trước các chiêu thức PR trong văn học, đặc biệt là việc tự PR của một số cây bút trẻ gần đây. Tôi thấy có quá nhiều điều nhảm nhí trong đó, trong hoạt động quảng cáo và trong chính sản phẩm được quảng cáo.
– Xin cảm ơn anh!
Văn Tình (thực hiện)
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn