Sau đây là 5 chủ đề cho bài nghị luận xã hội thường gặp: Tình yêu thương, Ý chị nghị lực, Sống hòa nhập, Hạnh phúc và Sống là chính mình. Hãy cùng theo chân Phê Bình Văn Học tham khảo những cách mở bài hay và đầy lôi cuốn này nhé.
1. Tình yêu thương
-
Mở bài 1
Bạn đã từng nghe tiếng lá rơi nhè nhẹ, thấy chồi non nảy mầm hay đã nắm lấy đôi bàn tay mẹ gầy guộc, hôn lên đôi mắt cha rạng rỡ hay nhận ra họ đã dần già đi chưa? Bạn có lắng nghe tiếng chim hót chào buổi sớm mai, nghe tiếng rì rào bất tận từ những cánh đồng quê? Hay bạn đã chạm vào cánh hoa mềm mại của những đóa cúc trắng tinh khiết, hay vuốt ve bộ lông mượt mà của chú mèo con bên nhà chưa? Nếu chưa, thì tôi cảm thấy may mắn hơn bạn rất nhiều, vì đối với tôi, cuộc sống là một bức tranh rực rỡ trong mắt, là âm nhạc trầm bổng vang vọng qua tai, và là một cuộc sống đong đầy yêu thương trong trái tim…
-
Mở bài 2
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày mới để yêu thương”
Cuộc sống giống như một bát nước, chứa đựng những giọt yêu thương. Nếu chúng ta biết cách yêu thương và sẻ chia, bát nước đó sẽ ngày càng đầy ắp niềm vui và hạnh phúc. Nhưng nếu không mở lòng đón nhận thêm yêu thương, nước trong bát sẽ dần cạn kiệt. Tâm hồn của những người không tiếp nhận thêm yêu thương sẽ dần héo úa và khô khan. Họ có thể sống trong vô cảm, chỉ quan tâm đến những điều thỏa mãn sở thích cá nhân mà thôi.
2.Ý chí – Nghị lực
Mở đầu cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, tác giả nhắc đến “Con chim chỉ hót một lần, nhưng tiếng hót đó là huyền thoại nhất trong thế gian, khiến muôn loài thảng thốt, thượng đế trên trời cũng phải lắng tai nghe. Đó là tiếng hót của loài chim họa mi. Nhưng chỉ khi chim đâm mình vào bụi mận gai, những chiếc gai sắc nhọn xuyên qua trái tim bé nhỏ của nó, thì tiếng hót ấy mới thật sự tuyệt diệu.” Không có vinh quang nào mà không phải trải qua nỗi đau khổ và hy sinh. Nhưng khi vượt qua nỗi đau đó, những gì bạn đạt được và cống hiến sẽ trở nên ý nghĩa và quý giá hơn rất nhiều.
3.Sống hoà nhập
Lũy tre đầu làng, nếu chia rẽ thành những cây tre đơn độc, sẽ khó lòng chống chọi với tai ương bão táp. Mặt biển mênh mông, nếu phân tách thành những giọt nước lẻ loi, những cơn sóng kiêu hãnh của biển cũng sẽ dần mất đi sức mạnh. Đám mây trắng bồng bềnh giữa trời, nếu chia rẽ thành ngàn đốm nhỏ li ti, sẽ không bao giờ có một cơn mưa rào kéo dài khắp cõi đời. Con người, nếu ly rời cộng đồng, liệu có phải như lũy tre kia, mặt biển kia, hay đám mây kia đang hướng đến sự tàn phá và phá hoại?
4. Hạnh phúc
“Hạnh phúc ơi! Hạnh phúc ở thật gần
Nhưng không phải ai cần đều có được
Cuộc đời có những điều không biết trước
Hạnh phúc trong tay lại bước xa dần”
(Hạnh phúc thật gần)
Nếu xem cuộc sống như một bản nhạc đa dạng với vô số giai điệu khác nhau, thì hạnh phúc chính là một nốt nhạc du dương, hòa hợp vào âm điệu của cuộc sống. Có thể vì điều này mà con người thường mải miết đợi chờ hạnh phúc sẽ đến. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta không bao giờ tìm thấy hạnh phúc nếu chỉ đơn giản chờ đợi nó ở những chân trời xa xôi, những điều huyền hoặc. Hạnh phúc thực sự đến với con người khi họ tìm kiếm những khao khát giản dị, những niềm vui nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.
5. Sống là chính mình
Cuộc sống giống như một bức tranh được tô điểm bởi muôn vàn mảnh ghép màu sắc. Màu đỏ rực rỡ đan xen cùng màu trắng tinh khôi, và màu vàng tươi sáng kết hợp với màu xanh dịu mát. Mỗi người chúng ta là một mảnh ghép độc đáo trong câu chuyện sống. Mỗi mảnh ghép đều quý giá, màu sắc nào cũng đẹp, nhưng không nên để bản thân bị pha trộn màu sắc hoặc bị biến dạng hình dáng. Quan trọng nhất là hãy sống với chính mình, bằng con người thật của mình.