Bạn đang xem: đặc điểm các nước trong aoe 3
ADVERTISEMENT
Toàn bộ nội dung của trò chơi Age of Empires III chỉ xoay quanh một vùng đất duy nhất là châu Mỹ. Ngưòi chơi sẽ có dịp theo chân các nhà thám hiểm, những người di dân đến Tân Thế Giới để khám phá, chinh phục và định cư. Từ đó họ đào tạo, củng cố lực lượng chống đỡ các thế lực thù địch, đồng thời phát triển vùng đất mới.
Vẫn trung thành theo phong cách đặc trưng của Age of Empires, trong trò chơi bạn sẽ có nhiều đế chế khác nhau để chọn. Trong phiên bản này, có 8 quốc gia châu Âu tham gia tranh đoạt vùng đất mới: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Nga và Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Trò chơi xuyên suốt thời kỳ phát triển của châu Mỹ, từ sau cuộc khám phá vĩ đại của Colombus đến tận thế kỷ 19, thời kỳ thịnh vượng của nền công nghiệp hiện đại. Cả một khoảng thời gian dài như vậy được các nhà làm game chia làm 8 giai đoạn, từ du mục định cư (Nomad Age) cho đến thời hậu đế quốc (Post-Imperial Age).
Như bao trò chơi RTS khác, Age of Empires III cũng gồm các chế độ chơi: Single, Skirmish và Multiplayer. Ở phần chơi đơn, người chơi sẽ theo chân nhà thám hiểm Morgan Black từ châu Âu đến Tân Thế Giới. Người chơi sát cánh cùng ông (và các hậu duệ) tham gia vào công cuộc chinh phục, khai phá vùng đất mới này, qua hàng loạt chiến dịch trải dài trong suốt ba chương lớn (Act). Mỗi một Act bao gồm 8 màn chơi (một số lượng màn vừa đủ) với hàng loạt nhiệm vụ (cả chính và phụ) được phân bố khá đa dạng trong từng màn. Tất cả được lồng ghép, kết nối để trở thành một câu chuyện hoàn chỉnh và khá hấp dẫn về mặt nội dung.
Đối với một game RTS khá được mong đợi, kỳ vọng như Age of Empires III, thì nội dung cốt truyện của phần chơi đơn có lẽ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều đáng quan tâm hàng đầu (đối với Age of Empires III và của các game RTS khác), không gì khác chính là cách chơi. Chúng ta thử điểm qua những thay đổi về lối chơi của Age of Empires III:
• Sự xuất hiện của Home City: Vâng, có lẽ đây là sự bổ sung, cải tiến đáng kể nhất về cách chơi. Home City (có thể hiểu là “hậu phương” hay “mẫu quốc”) chính là thành phố đại diện cho từng đế chế (hay từng người chơi) trong game. Dĩ nhiên, Home City này được đặt tại Châu Âu. Vai trò chính của Home City là lần lượt cung cấp những chuyến hàng tiếp tế, viện trợ đến vùng đất mới – châu Mỹ cho người chơi với đủ mọi loại hình như tài nguyên (gỗ, thức ăn và vàng), các loại lính tiếp viện, các công cụ chiến tranh như tàu bè, pháo, đại bác cùng các công nghệ nâng cấp khác… dưới dạng những lá bài tượng trưng. Trong quá trình chơi, bạn có thể tích lũy điểm kinh nghiệm, nâng cấp Home City của mình, từ đó mở ra những lá bài mới phục vụ cho việc tiếp viện, cũng như có thể cung cấp một số lựa chọn nâng cấp, trang hoàng cho thành phố quê nhà của bạn thêm màu sắc như: thay đổi màu ngói các kiến trúc, cung cấp những dịch vụ tiện ích… Thế nhưng, game có một điểm làm cho ta chưa vừa ý lắm: một khi đã trang hoàng thành phố rồi, bạn lại khó lòng chiêm ngưỡng toàn vẹn tác phẩm của mình, do chỉ được cung cấp duy nhất một góc nhìn cùng chức năng “zoom in” (nhìn cận cảnh) vào một kiến trúc nào đó. Phải chi nhà sản xuất để cho người chơi tự xoay chuyển camera tùy thích trong chế độ này thì hay biết mấy nhỉ!
• Hero và khả năng xây dựng các trạm giao thương: Theo trào lưu hiện nay, sự xuất hiện của Hero trong một game RTS trở thành một việc bình thường. Hero trong Age of Empires III có một nhiệm vụ khá đặc trưng và quan trọng: xây dựng các trạm giao thương (Trading Posts) trong khu vực thổ dân địa phương, để từ đó thiết lập mối quan hệ hữu hảo và tìm kiếm sự liên minh. Ngoài ra, các Hero còn có khả năng chiến đấu với những tuyệt chiêu riêng, thoạt trông khá đặc sắc nhưng hầu như không hiệu quả mấy. Bởi vậy trong những trận đánh, các Hero thường bị “chìm” trong “biển lính”, bạn rất khó có thể thấy được sự tỏa sáng của các “ngôi sao” này. Có một điểm khá buồn cười và hơi vô lý là mặc dù có khả năng chiến đấu khá tầm thường, nhưng các “ngài” Hero đều là những nhân vật… bất tử. Vâng, cho dù họ có bị đánh “te tua” cỡ nào đi nữa, họ vẫn không chết mà cứ nằm một chỗ… ôm chân lăn lộn, trông thật tức cười. Nói tóm lại, vai trò của Hero trong AOE chưa xứng tầm và khá mờ nhạt.
Xem thêm: Mẫu Nhà 2 Tầng 5X20M Đẹp Kèm Theo Bản Vẽ
• Các bộ tộc thổ dân: Trong Age of Empires III, ngoài sự hiện diện của 8 đế chế châu Âu nêu trên, ta còn thấy sự góp mặt của các bộ lạc thổ dân định cư rất lâu đời trên vùng đất châu Mỹ. Bạn có thể tiếp xúc với những bộ lạc da đỏ như Iroquois, Sioux, Cherokee… nổi tiếng tại Bắc Mỹ, cũng như những đại diện các nền văn minh Maya, Inca và Aztec tại Trung và Nam Mỹ. Xây dựng thành công mối quan hệ hữu hảo với các bộ lạc này là điều khá quan trọng trong quá trình chơi, vì làm tốt bạn sẽ được truyền thụ các loại hình kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp, quân sự của họ đồng thời được họ cung cấp thêm một số loại quân mới.
Ngoài ra, game còn bổ sung một số thay đổi nhỏ như các nông dân khi khai thác tài nguyên không cần phải đem về nhà chính như trước kia nữa, người chơi có thể xây dựng các pháo đài (Fort) có khả năng tạo hầu hết các loại quân cũng như khả năng tạo quân ngay trên những tàu chiến cỡ lớn… Công bằng mà nói, nếu bạn mong chờ ở Age of Empires III một lối chơi mới, nhiều đột phá so với các phiên bản cũ thì hẳn sẽ thất vọng biết bao. Vì sao ư? Dĩ nhiên, lối chơi trong Age of Empires III có những cải tiến đáng kể, nhưng để gọi chúng là “đột phá, gây bất ngờ” thì hoàn toàn chưa đủ. Nói tóm lại, chúng ta có thể kết luận về cách chơi trong Age of Empires III lần này: ngoại trừ sự xuất hiện của Home City, hầu như không có đột phá thú vị nào khác trong cách chơi.
Tuy nhiên, bạn hãy khoan vội thất vọng về Age of Empires III, vì tôi sẽ đề cập về nét nổi bật nhất của trò chơi ngay sau đây. Điểm sáng giá nhất không chỉ trong loạt game Đế Chế mà còn của cả thể loại RTS nói chung chính là đồ họa. Không thể nói gì hơn về mặt đồ họa được ứng dụng trong game ngoài ba chữ “quá tuyệt vời”. Tất cả những chi tiết, hiệu ứng đồ họa cho đến những ứng dụng vật lý đều không thể chê vào đâu được. Cảnh đẹp nhất trong game có thể kể đến là mặt nước, nhờ các hiệu ứng cực kỳ đẹp mắt và sống động (nói không ngoa thì không thua gì Far Cry hay Half-Life 2). Những trận chiến hoành tráng (nhất là các trận thủy chiến) với các hiệu ứng cháy nổ, khói lửa được sử dụng vô cùng sinh động. Việc ứng dụng rất xuất sắc engine vật lý Havok, đã nâng sự hấp dẫn của các trận chiến lên nhiều bậc: bạn có thể thấy rõ ràng các hạm đội bị trúng đạn đại bác, gãy từng cột buồm, tróc từng mảng thân tàu, để rồi chìm nghỉm dưới mặt nước sủi bọt trắng xóa. Cảnh các tòa nhà bị vỡ ra từng mảng, các mảnh vỡ văng tứ phía tung khói bụi lên mù mịt. Hay các chàng lính “xấu số” bị bắn tung lên trời khi bị một quả đạn đại bác “dập” ngay kế bên… Tất cả, trông cực kỳ ấn tượng. Có thể nói, phần đồ họa trong Age of Empires III đã thể hiện rất tốt, đúng những gì nhà phát triển đã hứa hẹn trước đó. Tôi có thể cam đoan với các bạn rằng Age of Empires III chính là game RTS có đồ họa đẹp nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán, để có thể chơi được game, bạn chỉ cần một cấu hình máy tính hạng trung. Nhưng để có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp vốn có của Age of Empires III, bạn cần một máy cấu hình thuộc loại “vững” (như trong bảng đề nghị) mới có thể “kham” nổi. Hơn nữa, cho dù máy bạn có mạnh thế nào, game vẫn bị một lỗi khá khó chịu: tốc độ khung hình giảm xuống rõ rệt trong những trận chiến có quá đông đơn vị tham gia, hoặc các trận bắn tàu “huy động” nhiều hiệu ứng.
Như “tô điểm” thêm cho phần đồ họa tuyệt đỉnh, mảng âm thanh cũng tuyệt vời không kém. Bản nhạc nền quen thuộc trong các phần trước vẫn được sử dụng lại trong phiên bản này. Nó vẫn tỏ ra hoàn toàn phù hợp với nội dung và không khí của trò chơi. Bên cạnh đó, âm thanh mô tả tiếng động cũng được chăm chút tỉ mỉ, góp phần thêm cùng hiệu ứng đồ họa, lột tả được những trận giao tranh quyết liệt và hoành tráng. Một điểm cộng tiếp theo chính là việc lồng tiếng nhân vật, các nhà làm game đã chăm chút tỉ mỉ đến độ mỗi dân tộc trong game đều nói tiếng bản xứ. Bạn có thể nghe được 8 thứ tiếng khác nhau ứng với 8 nền văn minh trong game. Thế nhưng, phần âm thanh suýt nữa đã được tôi tặng “điểm 10 chất lượng” nếu không mắc phải một lỗi đáng tiếc: chơi được một lúc, toàn bộ âm thanh trong game đều bị mất sạch. Việc này hóa ra lại đem đến một hậu quả khá trầm trọng: không những ảnh hưởng đến lối chơi, mà còn làm bạn khá bực mình vì không thể thoát khỏi các đoạn phim cắt cảnh (cut-scene) để tiếp tục trò chơi. Gặp những trường hợp như vậy, thường bạn phải khởi động lại game mới có thể chơi tiếp được.
Xem thêm: Tại Sao Gọi Là Nhà Cấp 4 Khác Nhau Ra Sao? Như Thế Nào Là Nhà Cấp 4
Nhìn tổng thể, Age of Empires III không đưa ra được nhiều đột phá trong cách chơi đã quá quen thuộc của mình, và những đổi thay ít ỏi này chưa thỏa mãn người chơi như mong đợi. Tuy nhiên, những khuyết điểm đó đã được bù đắp bằng một nền tảng đồ họa, âm thanh rất đẹp mắt và sống động (trừ lỗi mất tiếng như trên đã nói), dư sức làm hài lòng bất kỳ gamer khó tính nào. Vì vậy, nếu bạn không phải là người quá khắt khe, luôn đòi hỏi những cải tiến đột phá và dĩ nhiên, sở hữu một máy tính cấu hình tương đối khá, tôi tin chắc Age of Empires III vẫn có thể “chinh phục” được bạn.
Chuyên mục: Tổng Hợp