truongxaydunghcm.edu.vn- Nhà văn, nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, sinh năm 1950, quê Thanh Hóa. Những tác phẩm của ông đã xuất bản: “Văn chương – những cuộc truy tìm” (Tiểu luận – phê bình văn học, NXB QĐND, 2006); “Nghe – nhìn – đọc – viết… suy ngẫm” (Tiểu luận – phê bình văn học, NXB VHTT, 2007); “Hệ lụy văn chương” (Tiểu luận – phê bình).
Bạn đang xem:
Dưới góc độ của một người nghiên cứu, phê bình Đỗ Ngọc Yên cho rằng: “Không thích chê vầy vậy, khen thoang thoảng. Khen hay chê phải đi đến cùng”. Chính vì luôn quyết liệt trong phê bình, có khi ông bị bạn giận, không hỏi han trong thời gian dài.
Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên
Với văn chương của mình, ông cũng tự nhận là hơi “gấu”, không chấp nhận sự nửa chừng,. “Trong thơ tôi bớt “gấu” hơn, nhưng trong tiểu thuyết và phê bình, tôi luôn quyết liệt” – ông nói. Chính vì luôn quyết liệt trong phê bình nên Đỗ Ngọc Yên luôn nhận được những ý kiến trái chiều của những người trong nghề.
Chúng tôi có cuộc trao đổi cùng ông về thơ trẻ và những vấn đề thơ trẻ.
– Dưới góc độ của nhà phê bình văn học, ông có thể chia sẻ những nhận xét, đánh giá về khuynh hướng thơ hậu hiện đại?
+ Như tôi được biết thì có 5 người đứng ra thành lập một nhóm thơ hậu hiện đại và nhà thơ Ngô Văn Giá làm Trưởng nhóm. Tôi đã đọc thơ họ và trao đổi lại với chị Cúc Hoa (một nhà nghiên cứu bên Pháp). Chúng tôi chỉ ra những điều bất cập, ngay cả tên gọi là “Hậu hiện đại”, sau đó họ đã đổi thành “hiện thời Plus”.
Tại sao lại không thể hình thành khuynh hướng thơ hậu hiện đại ở Việt Nam được, bởi vì thế này, một khuynh hướng văn học bao giờ cũng có cơ sở triết học, nền tảng của nó, phải có điểm tựa về mặt triết học, học thuyết. Do vậy khi gọi tên như vậy là không chính xác về mặt khoa học, học thuật.
Thứ nữa là ở Việt Nam không có môi sinh cho hậu hiện đại, không có cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội cho nó. Bản chất của thơ hậu hiện đại là nói cái cần có, sẽ có chứ không phải nói cái đang có, đã có. Do vậy mà cái na ná giống nhau là về mặt ngôn ngữ thôi, chứ không thể về mặt tư tưởng, vì thế mà người ta nhầm và gọi nó là thơ hậu hiện đại. Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam sẽ không xuất hiện khuynh hướng thơ này vì những lí do tôi đã nói trên.
– Vậy nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên cho biết những cây viết trẻ, họ đã đi đúng đường chưa? Họ đang tồn tại ở những dạng thức nào?
+ Công việc của tôi hàng ngày là đọc rất nhiều, đặc biệt là thơ của các nhà thơ trẻ. Tôi chú ý đến một dạng thơ viết như nói, ngôn ngữ như văn xuôi, yếu tố giai điệu mờ nhạt. Tôi có cảm giác như họ viết rất vội, vốn sống chưa nhiều nhưng lại tham viết nhưng chưa tới. Thơ chính là phản ánh đời sống tinh thần, nội tâm của cá nhân đó, nhưng tôi thấy rằng, nhìn chung là thơ trẻ vẫn còn lặp lại, sáo mòn và cảm xúc chưa tới, tôi đang chờ đợi sự bứt phá, đổi mới.
Một số cây bút vẫn đáp ứng được xu hướng thời đại, bắt nhịp đúng và phản ánh kịp thời những gì đang diễn ra ở hiện tại, ví dụ như vấn đề biển Đông, biên giới, Trường Sa, Hoàng Sa… Một số khác thì cố gắng tìm tòi, khai phá về mặt ngôn ngữ nhưng cũng chỉ ở mức thể nghiệm.
Tôi thấy thế này, thơ mà chỉ có cảm xúc thì không đi đến đâu cả, thơ phải có tính tư tưởng. Đọc thơ nếu chỉ dừng lại ở cảm xúc mà không tìm thấy tính tư tưởng thì rõ ràng nó không lâu bền được. Mà hầu hết người viết trẻ lại nặng về mặt cảm xúc.
Về mặt nội dung, hầu hết tập trung vào chủ đề tình yêu, đề cao cái tôi cá nhân, yếu tố dân tộc, đất nước mờ nhạt. So với các bậc tiền bối thì khoảng cách giữa họ với các bậc đàn anh thì còn xa lắm. Nói như vậy để biết rằng, kế thừa và phát huy truyền thống là không dễ, đòi hỏi các nhà thơ trẻ phải nỗ lực tìm tòi, sáng tạo không ngừng.
Xem thêm:
– Còn những nhà nghiên cứu khác, họ nghĩ thế nào về thơ trẻ?
+ Những người bạn văn chương của tôi có rất nhiều ý kiến quan tâm, nếu họ với tư cách là lãnh đạo hội thì bao giờ họ cũng tin tưởng, động viên. Họ đặt niềm tin vào lớp trẻ – những người viết kế cận. Bao giờ cũng thế, truyền thống của người Việt mình là “cha truyền con nối”; “ tre già măng mọc”, nhà văn gạo cội luôn đặt niềm tin, hi vọng lớn vào thế hệ sau mình.
Một số khác cùng nghiên cứu như tôi thì dè dặt hơn, chúng tôi nhìn vào những sáng tác của họ trong một thời gian với độ lùi khá dài để nghiền ngẫm, soi xét và đánh giá. Không thể đưa ra những nhận định chủ quan, cá nhân, phiến diện mà phải thực sự trung thực, khách quan.
Tôi vẫn đặt niềm tin vào họ, dẫu chưa nhiều, chưa đủ lớn nhưng tin là có. Hi vọng họ dám bứt phá, khai mở những góc nhìn về đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam trong thời đại mới, phải đưa văn chương trong đó có thơ ca ra với bạn bè quốc tế. Làm được như vậy thì thế giới họ mới biết mình. Các nhà văn, nhà thơ trẻ cần dấn thân hơn nữa, bứt phá hơn nữa và sáng tạo không ngừng nghỉ.
– Nhìn vào những tác giả trẻ hiện nay, tôi có cảm nhận là họ cũng thực sự dám nhập cuộc, viết thẳng, thật vào những vấn đề xã hội đang quan tâm. Ông có đồng tình quan điểm này không?
+ Như tôi đã nói, tôi đọc rất nhiều các tập thơ của các tác giả trẻ, họ viết khá nhiều, khai thác các mảng miếng của xã hội với những phát hiện khá mới, phong phú. Tôi chú ý qua các cuộc thi khoảng 10 năm gần đây, người trẻ xuất hiện khá nhiều và dành những giải thưởng xứng đáng. Có những giải thưởng về các cuộc thi gần đây cho thấy một sự khởi sắc mới, họ đã tập trung vào các vấn đề xã hội, đặt ra những câu hỏi cho thời cuộc, trách nhiệm của người cầm bút.
– Văn chương có phải là sự lựa chọn đặc biệt cho người trẻ không, thưa ông?
+ Con người hiện đại là con người phân thân, họ có nhiều sự lựa chọn cho mình, từ người viết đến người thưởng thức. Văn chương chỉ là một sự lựa chọn thôi, không hẳn là đặc biệt.
Trong đó, thơ ca cũng là một phần của cuộc sống, người viết trẻ họ có nhu cầu được giãi bày, được nói tiếng nói của mình. Đa phần đều bộc lộ những trải nghiệm, những tâm tư, tình cảm về đời sống, về xã hội, thời cuộc.
Tuy vậy, để có thể khẳng định rằng, thơ ca nói riêng, văn chương nói chung trong thời buổi này đóng vai trò đặc biệt thì tôi cho rằng chưa tới, có chăng nó chỉ đóng góp một phần trong dòng chảy của xã hội thúc đẩy sự phát triển của xã hội mà thôi.
– Một điều dễ nhận thấy ở ông chính là phê bình rất thẳng, thật. Nhưng nhiều lúc sự thẳng thắn ấy lại khiến người viết trẻ ngại ngần khi được góp ý?
+ Tôi vẫn có thói quen hỏi thẳng người được hỏi, rằng việc mình chê họ xem họ có thái độ như thế nào. Nếu họ sẵn sàng nghe tôi góp ý trung thực, thẳng thắn tôi sẽ nói. Còn không thì thôi. Tôi vẫn nghĩ rằng, nói thẳng nói thật những cái chưa hay mới là đáng quý. Còn khen một tác phẩm chưa tới tầm thì quá dễ mà chắc gì đối tượng được khen đã thấy thích.
Rất nhiều người viết trẻ gửi tôi tác phẩm để nhờ phê bình nhưng không phải quyển nào tôi cũng làm. Với những quyển sách chẳng có gì để nói, tôi không có cảm hứng, mà đối tượng đưa sách không muốn mình nói thật thì tốt nhất là im lặng, chứ không thể khen cái chẳng đáng hoặc chẳng thích khen. Tôi hi vọng các bạn trẻ nhìn ra được vấn đề để viết hay hơn.
Xem thêm:
– Nhìn vào tương lai, với góc nhìn của một nhà phê bình văn học nghiêm khắc và thận trọng, ông nghĩ sao về đường đi của thơ trẻ?
+ Tôi vẫn luôn tin vào xu hướng thơ trẻ và những người viết trẻ, họ là thế hệ tiếp nối, kế cận và phát huy. Các nhà văn, nhà thơ trẻ tiếp cận với xã hội, với thế giới một cách nhanh nhẹn, thông minh và chắc chắn là có nhiều ý tưởng mới mẻ để viết. Có thể họ sẽ viết khác hơn, mới mẻ hơn so với các thế hệ trước song họ cần chín hơn về nghề, phải có nhiều trải nghiệm hơn về đời sống thì mới viết hay được.
Chuyên mục: