#1 Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối

Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối

Nam Cao cho rằng nghệ thuật “không cần” và “không nên là ánh trăng lừa dối”. Nghệ thuật có thể chỉ  tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than. Ánh trăng cao xa, huyền ảo và thơ mộng thật nhưng làm sao nó có thể lại là sự phản quang của cuộc đời chủ yếu là đói, rét, bệnh tật và bất công? Có người cho rằng cái đẹp là những gì ở bên trên cuộc sống và tác phẩm nghệ thuật chỉ là vẻ đẹp kì diệu của thế giới siêu thoát, thanh cao, là mở đầu và tận cùng của tất cả.

Bạn đang xem: Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối

Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối

Trong truyện ngắn Trăng sáng, Nam Cao viết: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”và ở truyện ngắn Đời thừa ông cho rằng một tác phẩm có giá trị phải “chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn”.

Còn Vũ Trọng Phụng, khi đáp lời báo Ngày nay của Tự Lực văn đoàn, đã nói: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”.

Anh, chị hãy bình luận những ý kiến nêu trên.​

Dưới đây Phê Bình Văn Học xin giới thiệu bài văn của bạn Phạm Bích Thuỷ Trường THPT Lê Quý Đôn-TP. Hồ Chí Minh với đề bài trên –Bài văn đạt giải nhì quốc gia bảng A năm 1988

“Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than

Cuộc sống xung quanh ta không bao giờ phẳng lặng mà luôn sôi động. Cũng như mặt biển nhiều lúc êm ả và thanh thản nhưng trong lòng nó luôn có những đợt sóng ngầm. Là một hình thái ý thức xã hội, văn học nghệ thuật bám chặt lấy sự sống để lớn lên và với tư cách là đứa con tinh thần, nó lại trở về noi sinh ra nó để góp phần khám phá, hiểu biết và sáng tạo đời sống. Nghĩ về văn học và hiện thực đời sống, trong truyện ngắn Trăng sáng, Nam Cao viết: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”Khi đáp lời báo Ngày naycủa Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng đã nói: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. tôi và các nhà văn cùng chí hướng nhưng tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Và ở tác phẩm Đời thừa, Nam Cao cho rằng: Một tác phẩm có giá trị khi tác phẩm ấy “chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn”.

Cuộc sống là một vườn hoa đầy màu sắc. Như những con ong cần mẫn đi tìm mật cho đời, nhà văn không chỉ đem đến cho người đọc một nội dung có tính thông điệp mà còn mong muốn tác phẩm của mình có sức mạnh làm rung động hàng triệu tâm hồn. Muốn thế phải làm cho người ta tin, mà chỉ tin được nhờ ở sự chân thực. Đó là lí do đơn giản để Nam Cao cho rằng nghệ thuật “không cần” và “không nên là ánh trăng lừa dối”. Ánh trăng cao xa, huyền ảo và thơ mộng thật nhưng làm sao nó có thể lại là sự phản quang của cuộc đời chủ yếu là đói, rét, bệnh tật và bất công? Có người cho rằng cái đẹp là những gì ở bên trên cuộc sống và tác phẩm nghệ thuật chỉ là vẻ đẹp kì diệu của thế giới siêu thoát, thanh cao, là mở đầu và tận cùng của tất cả. Tác phẩm như vậy làm sao có thể rung động được tâm hồn người đọc; bởi lẽ cuộc sống siêu thoát ấy đau có phải là cuộc sống của họ. Là một nhà văn hiện thực phê phán sống gần tầng lớp cùng đinh, Nam Cao hiểu sâu sắc thế nào là hiện thực đời sống, hiện thực của những ngày thuế thúc, trống dồn, những kiếp người méo mó, tội nghiệp, những cuộc sống mốc, mòn, mục, gỉ ra. Dù anh viết về ai, viết về cái gì thì cũng không nên, không thể quay lưng lại, lẩn tránh cái thực tế đau khổ và lầm than.

Có bắt rễ vào hiện thực đời sống mà phải là sống thật, văn học mới bền vững và tồn tại được. M.Gorki cho rằng: “Người tạo nên tác phẩm là tác giả nhưng người quyết định số phận của tác phẩm lại là độc giả”. Người đọc chỉ ủng hộ và tạo nên số phận tốt đẹp cho những tác phẩm chân chính một khi những tác phẩm ấy đề cập đến hiện thực đời sống đích thực là của họ. Bởi thế Vũ Trọng Phụng mới cho rằng tiểu thuyết là “sự thực ở đời” đến một tác phẩm có sức mạnh còn tuỳ thuộc vào một điều kiện hết sức quan trọng nữa, ấy là khả năng chiếm lĩnh cuộc sống một cách sâu xa của nhà văn. Chỉ có thể tạo nên giá trị của tác phẩm, một khi nghệ sĩ phải sống hết mình, biết nghĩ suy và trăn trở với những nỗi đau của thân phận con người, biết khơi lên từ cuộc sống những vấn đề mà nhiều người không nhìn thấy, biết góp phần kiến giải những hiện tượng xã hội,…bằng toàn bộ vốn liếng tri thức, tình cảm, niềm tin và dũng khí của mình, như A. Muytxê nói: Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó. Lênin nói, đại ý: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn-đó là con đường biện chứng của sự nhận thức hiện thực.

Văn học góp bàn tay nhân ái của mình để góp phần cải tạo con người, cải tạo xã hội, một khi nó chứa đựng cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi.

Ánh trăng cao xa, huyền ảo và thơ mộng thật nhưng làm sao nó có thể lại là sự phản quang của cuộc đời chủ yếu là đói, rét, bệnh tật và bất công? Có người cho rằng cái đẹp là những gì ở bên trên cuộc sống và tác phẩm nghệ thuật chỉ là vẻ đẹp kì diệu của thế giới siêu thoát, thanh cao, là mở đầu và tận cùng của tất cả.

Bằng nghệ thuật của mình, văn học lắng đọng đến tận nơi sâu kín, tiềm ẩn trong con người. Những giọt nước mắt khóc thương cho cuộc đời đau khổ, cho mỗi số phận bị biến dạng,…sẽ làm cho tâm hồn người dân trong sạch hơn lên, tư tưởng và tâm hồn được nâng cao lên về chất, để có thể vượt qua những nhỏ nhặt, tầm thường của cái vị kỉ, để hoà nhập được với cuộc sống tâm hồn của đồn loại, đồng cảm với họ, cùng chiến đấu cho sự hoàn thiện của con người, làm cho người gần người hơn. Đó chính là chức năng nhân đạo hoá con người của tác phẩm nghệ thuật.

Đương nhiên văn học không chỉ nói đến những cái gì mạnh mẽ, lớn lao; không chỉ nói đến lạc quan, chiến thắng. Nó không né tránh việc biểu hiện những mất mát, hi sinh, những bi kịch của đời sống, sự đê tiện, ngu dốt và phản bội của con người trên tư cách công dân cũng như trong cuộc sống riêng tư: trong lao động và đấu tranh, trong quan hệ bạn bè, vợ chồng, trong tình yêu,…Trong quá trình biểu hiện như thế, nhà văn thông qua tác phẩm của mình, đấu tranh cho sự công bình, kêu gọi tình thương và lòng bác ái,…Chính những điều đó tạo nên giá trị của tác phẩm.

Thực tế sáng tác của Nam Cao chứng tỏ khả năng lĩnh hội cuộc sống của nhà văn. Ông không chỉ thấy cuộc sống đương thời là đói rét, là bệnh tật, mà còn thấy được thảm trạng sự tha hoá của con người, những cuộc đời bị méo mó, xiêu vẹo, biến dạng và cả những cuộc sống “sống mòn” hay chết mòn thì cũng chẳng khác gì nhau cả. từ cuộc đời của một Chí Phèo, một Thị Nở khái quát lên thành cả một “hiện tượng Chí Phèo”, Nam Cao không chỉ nói lên nỗi đau đớn về thể xác của người nông dân, mà từ đây khơi lên lòng căm phẫn đối với những bất công và những thế lực gây tội ác, kêu gọi mọi người hãy đấu tranh để góp phần giữ lấy những tia sáng lương tri còn le lói, còn chưa tắt hẳn trong cuốc sống tinh thần của kiếp người bị tha hoá, để giữ cho con người không bị biến thành thú vật, để con người đúng là Người với ý nghĩa cao đẹp của nó.

Tôi có đọc được ở một tác phẩm lí luận kinh điển đại ý như thế này: Vũ khí phê phán dĩ nhiên không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí; chỉ có lực lượng vật chất mới đánh đỗ được lực lượng vật chất; nhưng lí luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất khi nó đã thâm nhập vào quần chúng. Văn học với sức mạnh lớn lao của nó trong việc khám phá, nhận thức và sáng tạo thực tại, luôn được xem là một vũ khí đấu tranh giai cấp. Các lực lượng tiến bộ và phản tiến bộ đều sử dụng văn học làm công cụ để tuyên truyền tập hợp quần chúng. Các nhà văn, nhà thơ của chúng ta cần nâng cao trình độ tư tưởng và năng lực biểu hiện cũng như thái độ trung thực và dũng cảm trong việc phản ánh hiện thực để nâng cao hơn nữa giá trị của tác phẩm. Văn học phải cố gắng phản ánh những “sự thực ở đời” với tất cả sự đa dạng và phức tạp của nó, có cả nỗi đau và niềm vui, có cả cái thấp hèn và cao thượng, chứ không phải là những tác phẩm tụng ca xuôi chiều, tô hồng hiện thực mà lảng tránh những nỗi đớn đau của đồng bào, đồng chí. Tác phẩm văn học cùng cần góp phần kiến giải những vấn đề của hiện thực đời sống, đồng thời là tiếng nói dự báo cho những vấn đề của hiện thực xã hội rộng lớn trong tương lai. Như vậy văn học mới làm được chức năng giáo dục con người bằng con đường tình cảm, mới góp phần làm cho con người với đúng nghĩa của nó: không là thánh cũng không trở thành thú. Những tác phẩm văn học bắt nguồn từ những ánh trăng mờ ảo, thơ mộng và dối lừa, những tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết, quay lưng hay bàng quan trước sự thực cuộc đời thì những tác phẩm ấy hoàn toàn không có ích cho đời sống, con người.

Đương nhiên văn học có tính độc lập tương đối của nó. Hiện thực trong văn học và hiện thực ngoài cuộc đời không phải là hai bàn tay úp kít vào nhau mà đan cài vào nhau. Ở đây mọi sự đơn giản hoá và mô hình hoá, mọi sự áp đặt, mệnh lệnh, khiên cưỡng “đeo chân cho vừa giày” đều là những điểm nên tránh. Chúng ta phản bác những lập luận và sáng tác của những trường phái siêu thực, hiện sinh, cũng đồng thời phê phán cách biểu hiện của những tác phẩm cứ tưởng như được viết bằng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất không biểu hiện được cuộc sống, chỉ biết ca tụng một chiều, giấu giếm nỗi đau; những tác phẩm đã không nói được thực trạng của hiện thực đương thời, càng không thể có chức năng dự báo.

Aimatôp cho rằng: chân lí trong nghệ thuật không chỉ là sự phơi bày những thiếu sót và khó khăn, những mặt tốt của cuộc sống chúng ta; mà quan trọng hơn, tác phẩm nghệ thuật phải có khả năng thôi thúc con người suy tư sâu sắc, bắt con người phải xúc động tận đáy lòng.

Nhiệm vụ của văn học, của những người sáng tạo ra tác phẩm thật nặng nề. Cuộc sống đang ngổn ngang, bề bộn và có nhiều điều khiển ta nhức nhối, trăn trở. Bởi vậy, chúng ta cần biết bao những tác phẩm văn học đích thực, những chính phẩm, góp tiếng nói cải tạo cuộc sống.

Chuyên mục: Văn Học

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *