Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các tác phẩm của Phebinhvanhoc.com.vn, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "phebinhvanhoc". (Ví dụ: tác phẩm chí phèo phebinhvanhoc). Tìm kiếm ngay
62626 lượt xem

Tính dị bản của văn học dân gian

Bạn đang quan tâm đến Tính dị bản của văn học dân gian phải không? Nào hãy cùng PHE BINH VAN HOC theo dõi bài viết này ngay sau đây nhé!

Video đầy đủ Tính dị bản của văn học dân gian

Đặc tính mở của văn bản tác phẩm văn học Dân gian Văn học dân gian trong quá trình lưu hành, không tồn tại dưới hình thức văn bản. Tuy nhiên, các nhà sưu tầm đã làm cho văn học dân gian tồn tại từ trạng thái động sang trạng thái tĩnh. Dưới hình thức văn bản sưu tầm, văn học dân gian được cố định bởi chữ viết (có thể là chữ Hán, chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ). Mặc dù được cố định hóa, văn học dân gian vẫn còn mang đặc tính riêng khác hẳn với các sáng tác văn học viết. Đó là tính mở của tác phẩm khi tồn tại dưới hình thức văn bản. Điều mà các nhà nghiên cứu, sưu tầm đã thấy được từ lâu, nhưng chưa khẳng định đặc tính mở của tác phẩm văn học dân gian khi tồn tại dưới hình thức văn bản, đó là việc tìm ra các dị bản của cùng một tác phẩm. Mỗi tác phẩm văn học dân gian tồn tại thông qua các dị bản. Có thể nêu ra một định nghĩa về dị bản như sau: Các dị bản của cùng một tác phẩm văn học dân gian là những văn bản sưu tầm được từ trong đời sống, giống nhau về chủ đề và các nội dung chính.

Bạn đang xem: Tính dị bản của văn học dân gian

Tính dị bản của văn học dân gian
Tính dị bản của văn học dân gian

Như vậy các văn bản sưu tầm không có các nội dung chính và không có cùng chủ đề với nhóm văn bản trên, sẽ thuộc về một tác phẩm khác, mặc dù nó vẫn còn nhiều chỗ giống với nhóm văn bản trên. Ví dụ, ca dao người Việt có các bài giống nhau:

1- Cô kia cắt cỏ bên sông Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây. Sang đây anh nắm cổ tay Anh hỏi câu này: cô lấy anh chăng ?

2- Cô kia cắt cỏ bên sông Muốn ăn sung chín thì lồng sang đây. Sang đây anh bấm cổ tay Anh hỏi câu này: có lấy anh chăng ?

3- Cô kia cắt cỏ một mình Cho anh cắt với chung tình làm đôi Cô còn cắt nữa hay thôi ?Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng. Trong ba bài ca dao trên, chúng ta thấy ngay bài thứ nhất và thứ hai có cùng chủ đề (chàng trai tỏ tình một cách vui nhộn) và các nội dung chính (mời gọi cô gái sang, hỏi một cách sấn sổ). Hai bài này chỉ khác nhau một vài từ (nhãn sung chín, nắm- bấm, cô- có). Chắc chắn đây là các dị bản của cùng một bài ca dao, có thể lấy tiêu đề là bài “Cô kia cắt cỏ bên sông”.

Bài ca dao thứ ba giống hai bài trên ở hình ảnh cô gái cắt cỏ, chàng trai chủ động tỏ tình nhưng chủ đề đã khác, không còn là sự tỏ tình vui nhộn nữa mà là tỏ tình một cách nghiêm trang. Nội dung chính của bài thứ ba cũng khác với hai bài trên, không có sự mời gọi, không có hành vi sấn sổ. Bài ca này là một tác phẩm khác, không phải là dị bản của bài “Cô kia cắt cỏ bên sông”. Nó có thể được đặt tên là bài “Cô kia cắt cỏ một mình”.

Hiện tượng dị bản khá phổ biến trong văn học dân gian và hiển nhiên nó là biểu hiện của tính mở. Tuy vậy, dị bản không phải là sự biểu hiện đầy đủ tính mở của tác phẩm văn học dân gian sau khi được ghi lại dưới hình thức văn bản. Về phương diện lý luận, có thể khái quát các hình thức biểu hiện của tính mở như sau:

1. Thay đổi từ hoặc cụm từ giữa các dị bản Trường hợp các bài ca dao thứ nhất và thứ hai là sự thay đổi từ hoặc cụm từ. Sự thay đổi này không đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chủ đề tác phẩm. Nó không mang tính quy luật mà chỉ là sự ngẫu hứng. Tuy nhiên, sự thay đổi đó cũng tạo nên những giá trị thẩm mỹ nhất định.

Đọc bài ca số 1 trong ví dụ nêu trên, chúng ta thấy câu “Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây” rõ ràng có hiện tượng chơi chữ. Từ “nhãn lồng”(một loại nhãn ngon nổi tiếng ở Hưng Yên) được tách làm hai bởi chữ “thì”. Còn ở bài ca dao số 2, “sung chín” đã thay thế “nhãn lồng”. Tín hiệu thẩm mỹ này lại tạo ra một ý nghĩa khác: “sung” là trái sung nhưng cũng tượng trưng cho sự sung túc, sung sướng về vật chất. Cả hai trường hợp đều mang ý nghĩa mời gọi nhưng lại khác nhau về nội dung cụ thể. Sự ngẫu hứng này đã được các nhà sưu tầm hết sức trân trọng bới vì những tín hiệu thẩm mỹ, sau khi được tập hợp lại, sẽ cho những kết luận khoa học có giá trị về sự biến đổi của một tác phẩm văn học dân gian trong quá trình lưu truyền.

2. Thêm từ hoặc cụm từ vào các dị bản. Hình thức này mang tính lôgic nội tại nhiều hơn là sự ngẫu hứng ở trên. Nó là kết quả của yêu cầu từ phía nội dung thể hiện. Ở đây, chúng tôi chú ý đến hiện tượng lục bát biến thể trong ca dao:

  • Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Ngũ lục sông cũng lội, thập cửu đèo cũng qua.
  • Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Ngũ lục sông cũng lội, thất bát thập cửu đèo
    cũng qua.
  • Đèo nào cao cho bằng đèo Cây Cốc Dốc nào cao cho bằng dốc Xuân Đài Anh thương em thương huỷ thương hoài. Dù em có chốc, có sài, anh vẫn thương
  • Đèo nào cao……Thương huỷ thương hoài. Dù em có ghẻ, có lở, có chốc, có sài, anh vẫn thương. Qua bốn ví dụ nêu trên, chúng ta thấy dường như hình thức của bài ca dao 1 và 3 không chứa được hết nội dung cần chuyển tải. Tình cảm trong lòng chàng trai, cô gái dâng trào đến mức không thể chịu nổi cái khung thông thường của một dòng thơ lục bát hay song thất lục bát. Nó cần phải được nhấn mạnh hơn nữa, và việc bổ sung từ hoặc cụm từ vào văn bản đã diễn ra như là một sự tất yếu. Đó chính là quy luật tương tác giữa nội dung và hình thức thể hiện trong tác phảm nghệ thuật ngôn từ.

Trong thơ ca dân gian, mặc dù tính cố định của ngôn ngữ tương đối rõ song hình thức biểu hiện 1 và 2 của tính mở đã xuất hiện không ít. Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Còn trong các thể loại truyện kể dân gian, sự thay đổi từ ngữ, thêm bớt từ ngữ ở các dị bản của cùng một tác phẩm là hết sức phổ biến.

Tuy vậy, đối với các dị bản của truyện kể dân gian, không phải bất cứ sự thay đổi hoặc bổ sung từ ngữ nào cũng trở thành những tín hiệu thẩm mỹ có giá trị. Chỉ có sự thay đổi, bổ sung từ ngữ liên quan đến hành động của nhân vật mới đáng được chú ý vì trong truyện kể dân gian,
hệ thống hành động của nhân vật liên quan trực tiếp tới việc thể hiện chủ đề tác phẩm.

3. Mở rộng nội dung và hình thức tác phẩm Kết quả sưu tầm, ghi chép các dị bản cho chúng ta thấy một hình thức tồn tại tự do hơn của tác phẩm văn học dân gian: nó được mở rộng về nội dung và hình thức. Chúng ta hãy khảo sát bài ca dao sau: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh Ai lên xứ Lạng cùng anh Bõ công (tiếc công?) bác mẹ sinh thành ra em. Tay cầm bầu rượu, nắm nem. Mảng vui quên hết lời em dặn dò. Bài ca dao này đã trọn vẹn về ý nghĩa, song vẫn có dị bản được ghi tiếp: Gánh vàng đi đổ sông Ngô Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương. Một dị bản khác lại tiếp: Vào chùa thắp một tuần hương. Miệng khấn tay vái bốn phương chùa này. Và lại tiếp nữa: Chùa này có một ông thầy. Có hòn đá tảng có cây ngô đồng. Cây ngô đồng không trồng mà mọc. Rễ ngô đồng rễ dọc rễ ngang.

Tiếp nữa: Quả dưa gang trong vàng ngoài trắng. Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh.
Dường như bài ca dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa” vẫn còn bỏ lửng, không có điểm dừng, không có câu kết. Dường như nhân vật trữ tình đi lang thang trong một tâm trạng bất định. Một vài nhà nghiên cứu đã đi tìm tính thống nhất trong chủ đề của bài ca dao này nhưng không thành công. Chúng tôi cho rằng, đây là một bài hát ru. Mục đích của hát ru là để cho trẻ em ngủ, vì vậy, nó cần được kéo dài để thực hiện chức năng này khi đứa trẻ chưa ngủ yên. Bài ca dao đã được mở rộng không phải tại một thời điểm mà trong các thời điểm khác nhau, thậm chí có thể ở những địa phương khác nhau. Trường hợp thứ hai là một truyền thuyết nổi tiếng có tiêu đề “Rùa vàng” hoặc “An Dương Vương”. Câu chuyện có hai phần khác nhau, gần như có thể tách rời nhau để tồn tại độc lập.

Phần thứ nhất kể về việc An Dương Vương xây Loa Thành, phần thứ hai kể về mối tình Mỵ Châu, Trọng Thuỷ. Chúng tôi cho rằng, phần thứ hai là sự mở rộng sau này, không được sáng tác vào cùng một thời điểm với phần thứ nhất. Trong truyện dân gian, việc mở rộng nội dung không chỉ là bổ sung những đoạn, những phần mới. Nó còn là sự mở rộng thêm những tầng (những lớp ý nghĩa). Vì vậy, khi phân tích, ta thấy trong cùng một truyện, có tầng nghĩa rất cổ và tầng nghĩa rất mới. Ví dụ, trong truyện “Sự tích đá Vọng Phu”, tầng nghĩa cổ nhất là sự chuyển biến từ tình trạng hôn nhân nội tộc sang hôn nhân ngoại tộc. Anh em lấy nhau là nội tộc hôn, điều đó không được xã hội hôn nhân ngoại tộc chấp nhận. Tấn bi kịch gia đình đã xảy ra. Sự tan vỡ của gia đình nội tộc hôn là một tất yếu lịch sử.

XEM THÊM:  Phân tích giá trị nghệ thuật trong truyện kiều

Tuy vậy, “Sự tích đá Vọng Phu” lại là câu chuyện đề cao lòng chung thuỷ, nghĩa vợ chồng. Đây là tầng nghĩa thứ hai, mới hơn tầng nghĩa thứ nhất. “Sự tích đá Vọng Phu”còn là bài ca phản đối chiến tranh phi nghĩa thời phong kiến. Người chồng đã đầu quân, để lại người vợ ở nhà với nỗi buồn hóa đá. Tầng nghĩa này chắc chắn chỉ được bổ sung vào trong thời kỳ phong kiến, khi có những cuộc nội chiến xảy ra.

4. Các cách hiểu khác nhau về cùng một tác phẩm hay một chi tiết trong tác phẩm. Tính mở của tác phẩm văn học dân gian không chỉ được hiện hữu trong câu, từ, nội dung phản ánh mà còn từ phía người tiếp nhận. Tác phẩm văn học dân gian, hơn ở đâu hết, được người đọc, người nghe tiếp nhận đa chiều, có thể theo hướng đúng, sai, tốt, xấu, thậm chí có sự cố tình xuyên tạc.

Ví dụ: Lì xì như chì đổ lỗ. Câu tục ngữ trên có thể hiểu như sau:

Người ít nói, nhìn mặt thấy khó cảm tình. Chì đang sôi, đổ vào khuôn thường có tiếng kêu lì xì. Chỉ người đang bực dọc, nói lẩm bẩm một điều gì không ai nghe rõ. Có lẽ tục ngữ là thể loại được tiếp nhận đa chiều nhiều nhất. Tuy nhiên, tác phẩm thuộc các thể loại khác cũng không phải không có những cách hiểu khác nhau. Chi tiết Tấm dội nước sôi giết Cám, lấy xác làm mắm gửi cho gì ghẻ ăn là một ví dụ tiêu biểu. Những cách hiểu và sự phản ứng ngược chiều nhau của người đọc đã diễn ra từ lâu, nhưng thường xuyên hơn là trong thời đại của chúng ta, tuy vậy, truyện cổ tích Tấm Cám vẫn tồn tại sừng sững nhiều trăm năm nay. Dân gian không chịu lược bỏ chi tiết này, chỉ có các nhà khoa học là vi phạm nguyên tắc khi cắt bỏ nó trong một vài ấn phẩm như cắt rời một phần máu thịt từ một cơ thể sống. Đa số tác phẩm văn học dân gian thuộc các thời đại đã qua, càng cổ xưa thì nhiều chi tiết, hình ảnh, hình tượng càng trở nên khó hiểu. Người đời phải dùng sự hiểu biết chủ quan để phân tích, lý giải các “trầm tích văn hóa”. Vì thế, sự khác nhau trong cách hiểu đối với những trường hợp này là không thể tránh khỏi. Trên đây là bốn biểu hiện của tính mở của văn bản tác phẩm văn học dân gian. Như vậy, tính mở là một phạm trù mỹ học, phản ánh quá trình tồn tại của tác phẩm văn học dân gian trong đời sống thực tế. Nó là hệ quả từ sáng tác tập thể và phương thức truyền miệng của văn học dân gian.

Tính dị bản trong tục ngữ, ca dao

Ngày nay, người ta tìm thấy thêm hai dị bản, một của Phú Yên, một của Bình Ðịnh. Về nội dung, cả ba đều là ca dao nói về tình yêu, xây dựng lời tỏ tình của chàng trai trên nền kết cấu “áo rách – nhờ khâu (vá) – trả công”. Nhưng ở chúng vẫn có những điểm khác nhau. Thứ nhất, về một số từ ngữ, lễ vật hỏi cưới trong hai bài ca dao sau mang tính đặc trưng riêng của địa phương. Chẳng hạn, bản của Phú Yên không nói “lợn” mà nói “heo”, không nói “khâu” mà nói “vá”, không “giúp đôi chăn” mà “giúp đôi áo”, không “đèo buồng cau” mà “đèo bông tai”… Tiếp nữa là hai bài ca dao sau không chỉ đề cập tới nội dung “giúp của” phục vụ cho hôn lễ mà còn “giúp của” dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ðiều này ở bài Tát nước đầu đình (SGK lớp 10 chỉnh lý) không có.
Tính dị bản trong tục ngữ, ca dao

Sau đây là 6 câu cuối của dị bản ở Phú Yên:   

Giúp cho một rổ lá gai

Một cân nghệ bột với hai tô mè

Giúp cho năm bảy lạng chè

Cái ấm sắc thuốc cái bồ (ghè?) đựng than

Giúp cho đứa nữa nuôi nàng

Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…

Rồi những buổi trưa nồng, ta hay nghe văng vẳng tiếng hát ru con:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá về đồng ăn cua

Nhưng một hôm ta lại nghe:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về kinh ăn cá về đồng ăn cua

Lại một hôm, ta nghe:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về bưng ăn ốc về đồng ăn cua

Thế là ta đem hỏi bạn bè. Rồi cãi nhau. Câu nào đúng? Xin  đừng cãi nhau làm gì, bởi đó là những dị bản. Chẳng ai đúng mà cũng chẳng ai sai. Quê anh có sông, anh hát về sông, tôi ở trong kinh, trong rạch, mà kinh rạch của tôi cũng nhiều cá, thế là tôi sửa lại thành về kinh. Ở Ðồng Tháp Mười có rất nhiều bưng biền, bưng biền ở đấy có nhiều ốc, thế là người ta lại sửa thành về bưng ăn ốc (chẳng ai cấm cản gì).

Tương tự như thế, câu ca dao:

Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm

Cũng có dị bản:

Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Hổ có nhiều cá tôm

Hay:

Bao phen quạ nói với diều

Ði về trại đáy ăn nhiều cá tôm…

Một ngày giáp hạt, ta cùng mẹ vét những thúng lúa cuối cùng trong bồ đem đi chà gạo, vừa làm mẹ vừa rỉ rả:

Vóc bồ thương kẻ ăn đong

Có chồng thương kẻ nằm không một mình

Ta nghĩ, trong lòng mẹ đang có sự đồng cảm đây!

Một hôm, ta lại nghe ông hàng xóm ngân nga:

Thóc bồ thương kẻ ăn đong

Có chồng thương kẻ nằm không một mình

Ồ, lại thêm một nghĩa khác? Ðúng là một nghĩa khác. Chỉ cần thay đổi một từ vóc và thóc mà đã thành ra hai nghĩa. Có người bảo, bài thứ nhất đúng hơn, có người lại bảo bài thứ hai đúng hơn. Bài thứ nhất chẳng qua là bị nói trại âm, từ thóc mà thành ra vóc (như kiểu trong câu chuyện hài về anh nông dân dốt, người ta nói phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí, anh nghe thành cuốc đất trồng khoai, quạ vô ăn chuối vậy!).

Trong  cuộc sống, ông bà mình cũng thường hay nói “Cái khó bó cái khôn” để chỉ những khó khăn nhiều khi lại trói buộc những dự định, hoài bão của con người. Nhưng cũng từ trong khó khăn, có người lại trăn trở, suy tính và cuối cùng tìm được hướng giải quyết, thế là họ lại bảo “Cái khó ló cái khôn”. Nhờ khó mà họ khôn ra, năng động hơn…

Rồi một hôm nào đó, mình lại nghe bà bảo chú mình:

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về

Câu đầu thì hiểu được. Bởi ông bà mình cũng có câu “Uốn cây từ thuở còn non/Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Dạy con cái phải dạy ngay từ khi còn nhỏ, những bài học đầu đời luôn là những bài học có giá trị sâu sắc đối với trẻ. Nhưng còn câu sau? Tại sao lại là bơ vơ? À, có lẽ họ muốn nói khi người vợ mới về nhà chồng, còn lạ nước lạ cái, còn bơ vơ chưa có “đồng minh” nên nói gì cũng phải nghe, dạy gì cũng phải học (không dám cãi). Nhưng có người lại không đồng ý với từ bơ vơ mà họ sửa thành ban sơ. Họ cho rằng, ban sơ là ban đầu, là lúc cô gái mới về nhà chồng, dùng ban sơ dễ hiểu hơn. Dùng bơ vơ nghe tội nghiệp quá! Thế là lại có thêm một dị bản:

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về

Tương tự như thế, câu tục ngữ Một lần sợ tốn bốn lần không đủ cũng có dị bản Một lần sợ tốn, bốn lần không xong.

Nhu cầu đời sống tinh thần là vô cùng phong phú. Ngày nay, xã hội phát triển, phương tiện sinh hoạt giải trí cũng đa dạng hơn. Tuy vậy, bên cạnh nhiều phương tiện giải trí hiện đại, Văn Học Dân Gian vẫn âm thầm tồn tại, nhất là những câu tục ngữ, những bài ca dao, với dấu ấn hiện đại hơn, thời sự hơn. Và trong số ấy có rất nhiều bài được làm theo dạng “cải biên” từ những bài ca dao, câu tục ngữ cũ. Nội dung cải biên thường theo xu hướng trào phúng, châm biếm.

Ví dụ, ngày xưa dân gian thường bảo Có tiền mua tiên cũng được, ngày nay lại bảo Có tiền mua xe hơi cũng được, Có tiền mua Vila cũng được…

Câu tục ngữ Ði một ngày đàng học một sàng khôn được cải biên thành Ði một ngày đàng học một sàng mánh khoé.

Từ câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

thành:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Mẹ ơi mẹ hỡi mau mau gởi tiền

XEM THÊM:  Hội văn học nghệ thuật tỉnh kiên giang

Từ câu:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon

thành:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, lắc đầu… chê tanh

Từ câu:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ

thành:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh “sập xám”, bên nàng “tiến lên”…

Ở dạng cải biên, có xếp vào loại dị bản hay không còn do ở các nhà nghiên cứu. Nhưng đây cũng là một đặc trưng khá tiêu biểu và hấp dẫn của Văn Học Dân Gian thời hiện đại, chắc chắn sẽ còn nhiều thú vị, bất ngờ.

Tính dị bản của Lý con sáo Nam Bộ

Tính dị bản được hiểu là bản thứ của một tác phẩm văn chương nào đó có những chỗ khác so với bản chính, bản gốc. VHDG luôn có hiện tượng dị bản do lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Trong quá trình lưu truyền, tác phẩm gốc sẽ có những thay đổi do trí nhớ của người kể, người đọc, người hát hoặc tùy theo hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên lịch sử văn hóa mỗi nơi, ngôn ngữ vùng miền, tâm lý con người mà có những sáng tác, ứng tác mới để phù hợp hơn. Dị bản là thuộc tính đặc trưng của văn học dân gian, là sự sáng tạo của cá nhân, tập thể, có những giá trị nhất định được lưu giữ trong cộng đồng.

Tính dị bản của Lý con sáo Nam Bộ

Dị bản về ca từ

Ca từ được hiểu là những từ ngữ có nhạc tính, là sự kết hợp giữa từ ngữ và âm nhạc, khi phát ra có cùng một âm thanh, chồng khít lên nhau. Hiểu cách khác, ca từ là lời ca của một ca khúc hay một thể loại âm nhạc nào đó, như lời của các bài lý chẳng hạn (2). Những bài lý cùng xuất phát từ một câu ca dao gốc có lời ca giống hoặc gần giống nhau, chỉ thêm hoặc bớt một số từ, cụm từ.

Ai mang con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng sáo bay

(Lý con sáo sang sông – quan họ Bắc Ninh)

Ai đem con sáo sang sông

Nên chi con sáo sổng lồng bay xa

(Lý con sáo – Thừa Thiên Huế)

Ai đem con sáo sang sông

Cho sáo sổ lồng con sáo bay xa

(Lý con sáo – Nam Bộ)

Ai xui con sáo sang sông

Cho nên con sáo sổ lồng bay xa

(Lý con sáo – Nam Bộ)

Ai đem con sáo qua sông

Cho nên con sáo sút lồng bay xa…

(Lý con sáo – Nam Bộ)

Qua những dị bản trên, ta thấy xuất hiện một số từ ngữ mang đặc trưng vùng miền. Ở Nam Bộ, Lý con sáo có nhiều dị bản nhất, lời ca gắn với phương ngữ như: “ai xui”, “ai đem”, “qua sông”, “sút lồng”… Những khác biệt trên đã nên sự phong phú trong ca từ của Lý con sáo, mang đậm dấu ấn địa phương một cách rõ rệt. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên đặc trưng của văn học dân gian và bản sắc văn hóa vùng miền.

Dị bản về làn điệu

Làn điệu được hiểu là giai điệu có âm hưởng được lặp lại trong nhiều ca khúc, như làn điệu dân ca có âm hưởng mượt mà, trữ tình, mà trong các bài lý ít nhiều đều có tính chất ấy. Người hát diễn xướng qua trí nhớ, truyền miệng, sự biến đổi nhấn nhá do cách phát âm, giọng nói người dân ở từng địa phương với sắc thái riêng… đã tạo nên những làn điệu khác nhau. Lý con sáo là một bài lý không chỉ nhiều dị bản về mặt ca từ mà còn có nhiều dị bản về làn điệu.

Từ câu ca dao quen thuộc:

Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa

Người ta xướng lên vô số làn điệu với những tiếng đệm, láy, đưa hơi khác nhau. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Lư Nhất Vũ – Lê Giang trong Lý trong dân ca người Việt, có tới 42 bài Lý con sáo. Phần lớn các dị bản khác nhau về làn điệu, cùng tên gọi là Lý con sáo, có một số nơi gọi là Lý con sáo sang sông hoặc gắn với tên địa phương do sắc thái riêng về ngữ âm (âm giọng), về làn điệu mà có Lý con sáo Quảng, Lý con sáo Gò Công… (3).

Trong quá trình diễn xướng, do người ca có âm giọng (ngữ âm, thanh điệu), điều kiện thổ nhưỡng địa phương… khác nhau, mà âm vực, âm hưởng khi ca trở nên khác nhau. Bên cạnh đó, người diễn xướng phải thay đổi âm vực giọng ca theo những ca từ được thay đổi so với bản gốc. Khi ca từ được cất lên, cách phát âm, âm sắc khác nhau giữa các vùng miền, kết hợp với môi trường sinh hoạt văn hóa từng nơi tạo nên đặc trưng cho từng dị bản về làn điệu. Trong ngữ âm học, tiếng Việt, mỗi âm tiết có cấu trúc: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối (phần vần) và một thanh điệu, do vậy, mỗi âm tiết có độ cao, độ dài, độ mạnh khác nhau, âm nhạc cũng vậy, gọi là cao độ (4). Từ chỗ khác nhau này mà từng vùng miền phát âm thuần túy cũng có một số âm khác nhau, ở đó ca lý không nằm ngoại lệ.

Lý con sáo sang sông trong quan họ Bắc Ninh thường có những tiếng đệm như “ấy mấy người đôi người ơi”, “tình tình”, “tình bằng”, kết hợp với tiếng đưa hơi “i… i…”, “a.. a…”… “Ai mang con sáo sang sông này sang sông. Để cho là con sáo đôi ấy mấy người là đôi người ơi mà này cũng có (a) sổ lồng mà này cũng có a sổ lồng tình tình bay con sáo bay tình tình bay con sáo bay…”.

Lý con sáo Thừa Thiên – Huế thường có tiếng đưa hơi “ư… hư… ư” hoặc “ư… ư… ư..”, tiếng đệm thường là “ơi người ơi”, “tình bằng”, “làm răng”… làn điệu mang âm hưởng sâu lắng, nhẹ nhàng, thâm trầm. Đó cũng là chất giọng đặc trưng của người Huế, nên tính chất âm nhạc âm vực thấp hơn Bắc Ninh khoảng nửa cung của quãng đủ, mà nhạc ngũ cung gọi là cung già hoặc cung non tức là độ cao của nó khoảng 1/4 của cung chánh như: chánh xề hoặc chánh hò chẳng hạn: “Ai đem con sáo sang sông để cho, để cho con sáo ơi người ơi sổ lồng ơi người ơi bay xa, sổ lồng ơi người ơi bay xa”.

Đặc biệt ở Quảng Nam, Lý con sáo Quảng lại mang nét rất riêng, độ cao âm vực của người Quảng Nam tương tự độ cao âm vực của người Nam Bộ, nhưng thường phát âm một số từ thành âm bẹt hoặc trại như “ai” thành “ưa”, hay “ăn”, “an” thành “en”… Cho nên câu “Ai đem con sáo tình bạn sang sông” khi hát nghe thành “Ưa đem con sáo tình bẹn sang sông làm ren”… Bên cạnh đó, người ca đan xem âm “ư” thành tiếng đưa hơi “ư… ư… ư…” tạo nên đặc trưng rất riêng: “Ai đem con sáo tình bạn sang sông (ư) làm răng. Để cho để cho con sáo (ư ư ư) để cho để cho con sáo sổ lồng bay xa (ư) làm răng để cho để cho con sáo (ư ư ư) sổ lồng bay xa (ư) bay xa (ư) bay xa” (5).

Đến với vùng đất Nam Bộ, Lý con sáo có rất nhiều dị bản, chiếm đến 23 trong số tổng 42 bài Lý con sáo của cả nước. Khi hát, tiếng đệm trong Lý con sáo Nam Bộ rất phong phú, đặc trưng như “ơ rường ơ oa tu hỡi”, “ôi nàng ôi”, “thiềng thị ơi”, “lu là”, “hò xự xang”, “cống xế xang”, “xàng cống xê”… Tiếng đưa hơi đơn giản, mộc mạc, thường là “ơ… ơ…”, một số ít là “ưng… ưng… ưng…” hay “ư… ư… ư” (6).

Lý con sáo ở Nam Bộ có buồn ai oán, có vui tươi có hồn nhiên mộc mạc như chính cuộc sống và tâm tình của lưu dân trong buổi đầu đến vùng đất mới.

Bài Lý con sáo thể hiện nỗi buồn ai oán, u uất, u hoài, đã đi vào Đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ: “Ai ai đem ai đem bằng chim sáo (ừng ưng ứng ưng ừng). Sang sang sang sang sang sông ai đem chim sáo sang sông. Tình bằng sang sông (ứng ưng ưng ưng ưng ưng). Cho nên cho nên bằng chim sáo (ừng ưng ứng ưng ừng). Sổ sổ sổ sổ sổ lồng cho nên chim sáo sổ lồng. Tình bằng bay xa (ứng ưng ưng ưng ưng ưng)”.

Bài Lý con sáo Nam Bộ sau đây thì mang âm điệu phấn chấn, lạc quan, phóng khoáng: “Ợ… ợ… Ai xui mà con sáo cái nó sang sông cái nó sang sông (ơ). Cho nên cái mà con sáo ợ… ợ… sổ lồng cái kìa bay xa, cái kìa bay xa, cái lý sông mã, cái lý xàng xê. Đôi ta về thiềng thị ơi sáo bay ơi. Đôi ta về thiềng thị ơi sáo bay ơi…” (7).

Trong văn học dân gian nói chung và lý Nam Bộ nói riêng, tính dị bản xuất hiện như một quy luật tất yếu, Lý con sáo Nam Bộ cũng không ngoài quy luật đó. Đó cũng là quy luật sáng tạo trong hàng loạt vấn đề của văn học dân gian và văn học nghệ thuật nói chung. Nó góp phần không nhỏ vào quá trình sáng tạo văn hóa nội sinh nhằm phát triển thực thể phong phú hơn mà vẫn giữ được bản chất.

Chuyên mục: Văn học

Như vậy trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc Tính dị bản của văn học dân gian. Hy vọng bài viết này giúp ích cho bạn trong cuộc sống cũng như trong học tập thường ngày. Chúng tôi xin tạm dừng bài viết này tại đây.

Website: https://phebinhvanhoc.com.vn/

Thông báo: Phê Bình Văn Học ngoài phục vụ bạn đọc ở Việt Nam chúng tôi còn có kênh tiếng anh PhebinhvanhocEN cho bạn đọc trên toàn thế giới, mời thính giả đón xem.

Chúng tôi Xin cám ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *